Thực hiện cơ chế, chính sách mới là bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân biển Sầm Sơn
(THO) - Những ngày qua, hàng trăm người dân thị xã Sầm Sơn kéo lên Trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị chính quyền không thực hiện việc di chuyển và phá bỏ khu neo đậu tàu thuyền trên bờ biển để thực hiện Dự án Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn.
Ngày mùng 2 và 3-3-2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức họp báo và tiếp công dân để cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí và nhân dân thị xã Sầm Sơn về chủ trương của tỉnh trong việc quy hoạch cải tạo nâng cấp bãi biển Sầm Sơn và việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Tại buổi họp báo và tiếp công dân, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã thay mặt UBND tỉnh Thanh Hóa khái quát sơ bộ về quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn. Và trả lời nhiều cầu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí địa phương, trung ương đóng trên địa bàn và của nhân dân xung quanh vấn đề chuyển đổi nghề của bà con ngư dân, các cơ chế, chính sách bảo đảm cuộc sống cho người dân. Báo Thanh Hóa xin đăng lược trích các câu trả lời của đồng chí Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa:
1. Có nhiều ý kiến cho rằng Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn là phục vụ lợi ích của doanh nghiệp, có đúng không thưa ông?
Tôi xin khẳng định một điều rằng, tất cả các quyết định về quy hoạch trên địa bàn tỉnh đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không vì bất cứ quyền lợi của tổ chức hay cá nhân nào, mà vì lợi ích chung của đất nước, của tỉnh và của nhân dân.
Đối với Dự án Không gian ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, tỉnh Thanh Hóa chủ trương đầu tư theo hướng xã hội hóa và do tính chất đặc thù, khó khăn của dự án, chỉ duy nhất có 1 nhà đầu tư tham gia dự án. Nhà đầu tư phải bỏ số tiền lớn khoảng 315 tỷ đồng cho tất cả các khu chức năng và chỉ được khai thác kinh doanh dịch vụ trong 2 khu chức năng là các ki-ốt và khu tắm tráng trong thời gian dài mới có khả năng hoàn được vốn. Vì vậy, người được lợi nhiều nhất ở đây là chính quyền địa phương và nhân dân.
2. Vì sao UBND tỉnh lại quyết định giải bản tàu thuyền của ngư dân trong thời điểm này?
Theo thống kê của UBND thị xã Sầm Sơn, hiện có khoảng 705 bè, mủng neo đậu dọc 3,5 km bờ biển Sầm Sơn có công suất máy dưới 20 CV. Việc giải bản tàu thuyền công suất nhỏ dưới 20 CV là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước được quy định tại Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 4-5-2005 của Chính phủ, Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 1-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20-3-2006 của Bộ Thủy sản và Chỉ thị số 18/2010/CT-UBND ngày 27-8-2010 của UBND tỉnh, trong đó có nội dung không khuyến khích phát triển và không cấp phép khai thác thủy sản cho các tàu cá có công suất máy dưới 30 CV; tiến tới xóa bỏ hoàn toàn phương tiện khai thác gần bờ có công suất dưới 30 CV, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho ngư dân, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cảnh quan môi trường du lịch.
Do đó, việc UBND tỉnh yêu cầu giải bản tàu, thuyền vào thời điểm này là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật và chủ trương của Đảng, Nhà nước, tiến tới không riêng gì Sầm Sơn mà trong toàn tỉnh sẽ thực hiện việc hạn chế và giải bản loại tàu, thuyền công suất nhỏ này.
3. Sau khi thực hiện dự án thì khu vực bãi biển Sầm Sơn do nhà đầu tư hay chính quyền quản lý?
Khu vực bãi biển Sầm Sơn từ chân núi Trường Lệ đến khu Vạn Chài có chiều dài 3,5km, diện tích khoảng 32 ha, UBND tỉnh đã giao cho UBND thị xã Sầm Sơn quản lý. UBND thị xã Sầm Sơn phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc tổ chức quản lý mặt biển, mặt cát dọc suốt 3,5 km bờ biển. Vì vậy, trách nhiệm quản lý bãi biển của UBND thị xã cũng là trách nhiệm của bà con nhân dân thị xã Sầm Sơn.
Như tôi đã nói ban đầu, sau khi hoàn thành dự án, nhà đầu tư chỉ quản lý, khai thác, kinh doanh dịch vụ trong phạm vi các ki - ốt, nhà tắm tráng nước ngọt đã đầu tư; UBND thị xã Sầm Sơn sẽ quản lý toàn bộ các công trình công cộng như: bãi tắm, bãi biển, công viên, khuôn viên nhạc nước... Người dân sẽ tiếp tục được đăng ký kinh doanh các dịch vụ, như: chụp ảnh, xe điện, cho thuê xe đạp...
4. Việc thực hiện cơ chế, chính sách liệu có thỏa đáng và có giải quyết được cái gốc của vấn đề là kế sinh nhai của người dân hay không?
Theo cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng bởi dự án chuyển đổi ngành nghề được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 705/2016/QĐ-UBND ngày 1-3-2016, mỗi hộ gia đình có bè, mủng trong vùng ảnh hưởng của dự án sẽ được hỗ trợ với mức 70 triệu đồng/bè, 50 triệu đồng/mủng; đồng thời hỗ trợ ngư dân ổn định đời sống trong 6 tháng với mức tương đương 30kg gạo tẻ/người/tháng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng hỗ trợ mua mới, đóng mới tàu cá có công suất từ 30CV trở lên với mức hỗ trợ một lần sau đầu tư bằng 35% giá trị con tàu; hỗ trợ lãi xuất khi vay vốn ngân hàng với mức 7%/năm trên tổng số vốn vay trong thời hạn 5 năm; hỗ trợ tìm nghề mới cho các hộ gia đình giải bản bè, mủng với mức 12 triệu đồng/bè và 8 triệu đồng/mủng; thưởng cho những người thực hiện trước ngày 15-3-2016 với mức 10 triệu đồng một bè, mủng.
Ngoài việc ban hành các chính sách về chuyển đổi cơ cấu tàu thuyền lên công suất lớn, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với UBND thị xã Sầm Sơn quy hoạch khu dịch vụ thương mại phục vụ du lịch với diện tích khoảng 8 – 10 ha tại phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn, tạo điều kiện cho các hộ dân có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp.
Đồng thời, UBND tỉnh đã có ý kiến đối với Tập đoàn FLC và các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã ưu tiên tuyển dụng đối với các công việc lao động giản đơn, đặc biệt ưu tiên đối với những người phải giải bản bè, mủng mà có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề. Nếu bà con có nhu cầu cho con em đi học các ngành nghề có trình độ chuyên môn cao thì UBND thị xã Sầm Sơn sẽ hỗ trợ chi phí và cùng các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã tạo điều kiện bố trí công việc sau khi được đào tạo.
Như vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện một loạt các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, bảo đảm bao quát hết các đối tượng và nhu cầu chuyển đổi nghề của ngư dân trong vùng bị ảnh hưởng của dự án. Đây là những chính sách đặc thù, đặc biệt ưu đãi, vượt xa các chính sách hiện nay của Trung ương, được ban hành và áp dụng riêng cho ngư dân xã Quảng Cư và các phường Trung Sơn, Trường Sơn và Bắc Sơn của thị xã Sầm Sơn.
5. Hiện nay, ngư dân chỉ có một nguyện vọng để lại 500 – 700m bờ biển để đưa toàn bộ tàu, thuyền vào để phát triển làng chài kết hợp du lịch, quan điểm của UBND tỉnh thế nào?
Như tôi đã nói ở trên, việc giải bản và không khuyến khích phát triển bè, mủng có công suất máy dưới 20 CV là chủ trương đã có từ lâu của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.
Mặt khác, dự án cải tạo, nâng cấp bãi biển Sầm Sơn là chủ trương đúng đắn của tỉnh Thanh Hóa, nhằm thay đổi bộ mặt du lịch thị xã Sầm Sơn, cải tạo và thay đổi cách làm du lịch 1 mùa tức chỉ trong 3 tháng hè đã tồn tại nhiều năm qua mà chuyển sang du lịch 4 mùa, nhằm giải quyết các tồn tại từ trước đến nay của bãi biển Sầm Sơn, góp phần xây dựng thị xã Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch hiện đại, thân thiện và hấp dẫn.
Như mọi người đã thấy, bãi biển Sầm Sơn hiện trạng có 59 ki-ốt và 60 khu tắm tráng lợp tôn, che bạt để tổ chức các dịch vụ nhà hàng ăn uống và phục vụ hoạt động tắm biển. Đồng thời, việc tập kết bè, mủng trên bờ biển cùng với nước thải từ các khu ki-ốt trực tiếp ra biển, gây mất mỹ quan đối với du khách, ảnh hưởng đến môi trường khu vực bờ biển mà tỉnh đang tập trung cho phát triển du lịch.
Vì vậy, kiến nghị để lại một đoạn bãi biển khoảng 500m làm nơi tập kết bè, mủng dưới 20 CV là không phù hợp, đồng thời phá vỡ cảnh quan, không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương như đã được phê duyệt.
Nhóm PV thời sự
(Nguồn: Báo Thanh Hóa điện tử)
(Nguồn: Báo Thanh Hóa điện tử)
Các tin khác
- Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng: Từ đổi mới đến khát vọng bứt phá
- Hoạt động hiệu quả, Lasuco đang mở ra chu kỳ phát triển mới nhanh và bền vững
- Thực hành đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới - cơ sở quan trọng góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng
- Phát huy vai trò của Trang thông tin điện tử Đảng uỷ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng
- Những hình ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo được nhân dân yêu mến
- Kết quả công tác phát triển đảng viên mới trên địa bàn tỉnh
- Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa
Truy cập
Hôm nay:
2112
Hôm qua:
1899
Tuần này:
2112
Tháng này:
9389
Tất cả:
2855222