Tăng cường quản lý thuế đối với các doanh nghiệp FDI
(THO) - Một mặt, phải tạo mọi điều kiện tốt nhất về thủ tục hành chính thuế cho các doanh nghiệp, mặt khác phải tăng cường giám sát để thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế phát sinh. Những yêu cầu đó, phần nào cho thấy những thách thức trong công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Một góc công trường thi công Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: Ngọc Hải
Tính đến 31-12-2015, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 52 doanh nghiệp FDI đã đăng ký kinh doanh, với tổng mức đầu tư hơn 13 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Thanh Hóa không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động, mà còn đóng góp cho ngân sách Nhà nước (NSNN) ngày càng tăng. Trong 5 năm gần đây, số thu NSNN từ các doanh nghiệp FDI liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2011 thu đạt 219,3 tỷ đồng, năm 2012 đạt 565 tỷ đồng, năm 2013 đạt 759,5 tỷ đồng, năm 2014 đạt 2.083 tỷ đồng, năm 2015 đạt 2.374 tỷ đồng.
Có được kết quả trên, cùng với trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư là do Cục Thuế Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế đối với khối doanh nghiệp FDI, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư đồng thời bảo đảm quản lý thuế đúng quy định của pháp luật, tạo sự bình đẳng trong cạnh tranh, góp phần khuyến khích, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Cục Thuế Thanh Hóa đã triển khai cho 100% doanh nghiệp FDI khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử. Từ 1-1-2015, thực hiện bỏ bảng kê hóa đơn mua, bán hàng hóa dịch vụ, qua đó đã giảm được đáng kể số giờ khai thuế cho doanh nghiệp... Nhiều giải pháp sáng tạo của Cục Thuế Thanh Hóa đã được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như: Đối với Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (LH LHDNS) - dự án trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư 9 tỷ USD, khởi công từ cuối năm 2013, thời gian triển khai đầu tư xây dựng chỉ trong khoảng 40 tháng. Thời gian xây dựng dự án ngắn, số tiền giải ngân lớn với hàng chục nhà thầu nước ngoài cùng đồng thời tham gia, do vậy đã đặt ra yêu cầu cho Cục Thuế Thanh Hóa một mặt phải tạo mọi điều kiện tốt nhất về thủ tục hành chính thuế cho các nhà thầu, một mặt phải tăng cường giám sát để thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế phát sinh. Trước yêu cầu đó, cục thuế đã tham mưu, chủ động đề xuất với Tổng cục Thuế phương án thu thuế tập trung qua Tổng thầu JGCS và được chấp thuận. Kết quả là, thay vì phải thu thuế từ hàng chục nhà thầu phụ nước ngoài, Cục Thuế Thanh Hóa chỉ thu tập trung qua một đầu mối là tổng thầu JGCS, nên đã giảm thiểu được thủ tục hành chính thuế, đồng thời thu kịp thời, kiểm soát tốt nguồn thu. Tổng thầu JGCS là một tổ hợp các nhà thầu quốc tế lớn đã thể hiện tính chuyên nghiệp và trách nhiệm cao trong việc phối hợp tốt với Cục Thuế Thanh Hóa thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN. Trong 2 năm 2014 và 2015, JGCS đã nộp cho NSNN số tiền thuế là 2.485 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp FDI chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế, công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp FDI cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Nguồn thu NSNN ở khối doanh nghiệp FDI mới chỉ tập trung ở các lĩnh vực xi măng, đường mía, lọc hóa dầu... Bên cạnh nguồn thu ổn định từ Công ty Xi măng Nghi Sơn khoảng 200 tỷ đồng/năm, số còn lại chủ yếu vẫn là thu từ các nhà thầu trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án mới như: Dự án LH LHDNS, Nhiệt điện Nghi Sơn 1... Trong số 52 doanh nghiệp, dự án đã và đang triển khai, có đến 30 doanh nghiệp (chiếm 58%) là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày xuất khẩu. Đây là ngành nghề giải quyết được nhiều việc làm, tuy nhiên suất đầu tư và giá trị gia tăng thấp, do đó số nộp NSNN rất hạn chế...
Đặc biệt, vẫn có một số doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận ra nước ngoài dưới hình thức khai báo giá chuyển nhượng cho công ty mẹ ở nước ngoài rất thấp. Điển hình là vụ việc tại một doanh nghiệp FDI hoạt động trên lĩnh vực gia công xuất khẩu giày dép lớn trên địa bàn TP Thanh Hóa. Doanh nghiệp này có số vốn đăng ký 5 triệu USD, thời gian thực hiện dự án tại Thanh Hóa là 50 năm. Doanh nghiệp hiện đang thu hút khoảng 15.000 lao động làm việc. Hoạt động của doanh nghiệp trong những năm qua đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa và một số huyện lân cận. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính mà doanh nghiệp này gửi Cục Thuế Thanh Hóa thì kết quả kinh doanh liên tục lỗ, số lỗ năm sau cao hơn năm trước; tính đến cuối năm 2014, số lỗ lũy kế trước thuế là 392 tỷ đồng (vượt vốn chủ sở hữu). Với số lỗ khai báo như vậy, có thể đến khi kết thúc dự án tại Thanh Hóa, công ty cũng không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Thực tế là từ khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp này chưa nộp được bất kỳ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Trong khi, doanh nghiệp liên tục mở rộng đầu tư, tuyển dụng thêm công nhân, xây dựng mới nhà xưởng, sản lượng gia công xuất khẩu tăng mạnh...
Từ những phân tích như trên, Cục Thuế Thanh Hóa đã đặt nghi vấn về giá chuyển nhượng. Tuy nhiên, chứng minh được hành vi chuyển giá là vấn đề hết sức phức tạp, đòi hỏi phải có thông tin chính xác, đủ tính thuyết phục đưa ra phương pháp đấu tranh với doanh nghiệp. Được sự hỗ trợ thông tin từ Tổng cục Thuế về quan hệ giữa doanh nghiệp này và công ty mẹ ở nước ngoài liên quan đến giá giao dịch trên thị trường quốc tế và trải qua 180 ngày nghiên cứu, điều tra, thu thập tài liệu, thông tin, với những bằng chứng thuyết phục, Cục Thuế Thanh Hóa đã chứng minh được doanh nghiệp trên có hoạt động chuyển giá từ Việt Nam sang công ty mẹ ở nước ngoài. Doanh nghiệp sau đó đã phải kê khai điều chỉnh giá bán để xử lý triệt tiêu số lỗ lũy kế 392 tỷ đồng, đồng thời nộp truy thu thuế, tiền phạt khai sai, tiền nộp chậm là 2,6 tỷ đồng vào NSNN. Điều hết sức quan trọng là, từ năm 2015 trở đi, khi doanh nghiệp này quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ phải kê khai phù hợp với giá thị trường, chấm dứt tình trạng báo cáo lỗ và sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vào NSNN.
Qua vụ việc trên, Cục Thuế Thanh Hóa đã rút kinh nghiệm, triển khai với các doanh nghiệp FDI có quan hệ giao dịch liên kết trong những năm tiếp theo, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, khai thác nguồn thu, chống thất thu NSNN, bảo đảm sự công bằng cho người nộp thuế. Đồng thời, đã nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong việc khai và nộp thuế đối với doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh nói chung.
Từ kết quả và những bài học kinh nghiệm có được, trong thời gian tới, Cục Thuế Thanh Hóa xác định sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Phân loại có hệ thống đối tượng thanh tra thuế. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng nhằm tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối thông tin để có hệ thống thông tin bảo đảm cho quá trình quản lý thuế nói chung và quản lý thuế đối với doanh nghiệp FDI nói riêng.
(Nguồn: Báo Thanh Hóa điện tử)
Các tin khác
- Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng: Từ đổi mới đến khát vọng bứt phá
- Hoạt động hiệu quả, Lasuco đang mở ra chu kỳ phát triển mới nhanh và bền vững
- Thực hành đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới - cơ sở quan trọng góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng
- Phát huy vai trò của Trang thông tin điện tử Đảng uỷ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng
- Những hình ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo được nhân dân yêu mến
- Kết quả công tác phát triển đảng viên mới trên địa bàn tỉnh
- Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa
Truy cập
Hôm nay:
2069
Hôm qua:
1899
Tuần này:
2069
Tháng này:
9346
Tất cả:
2855179