Một chủ trương đúng đắn của tỉnh, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân chưa hiểu rõ và đồng tình
(THO) - Nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế chiều dài 3,5km bờ biển, cải thiện hình ảnh, cảnh quan khu du lịch, xây dựng thị xã Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch hiện đại, thân thiện và hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách sử dụng các dịch vụ du lịch với chất lượng tốt, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có chủ trương và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4294/QĐ-UBND ngày 26-10-2015, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương; Quyết định số 5383/QĐ-UBND ngày 22-12-2015 phê duyệt hồ sơ đề xuất Dự án không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn sớm đưa Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm của quốc gia.

Ảnh minh họa
Theo quy hoạch, không bố trí bến thuyền để ngư dân đánh bắt gần bờ bằng thuyền, bè, mủng có công suất nhỏ.
Đây cũng chính là việc triển khai thực hiện Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 4-5-2005 của Chính phủ, Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 1-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản và Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20-3-2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Chỉ thị số 18/2010/CT-UBND ngày 27-8-2010 của UBND tỉnh, trong đó có nội dung về hỗ trợ ngư dân phá bỏ tàu thuyền và cam kết không đóng mới, mua mới, sử dụng tàu thuyền có công suất máy chính dưới 30CV và không cấp phép khai thác thuỷ sản cho các tàu cá có công suất máy dưới 30 CV; tiến tới xóa bỏ hoàn toàn phương tiện khai thác gần bờ có công suất dưới 30 CV; kiên quyết không cho các tàu cá có công suất dưới 30 CV, không bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật hoạt động, khai thác hải sản trái phép trên biển, nhất là khu vực gần bờ.
Tuy nhiên, do cuộc sống mưu sinh và chưa hiểu biết đầy đủ pháp luật nên một bộ phận ngư dân Sầm Sơn vẫn sử dụng bè, mủng, tàu thuyền có công suất nhỏ (hiện nay tại thị xã Sầm Sơn có khoảng 705 phương tiện) để khai thác ven bờ, ảnh hưởng xấu đến phát triển nguồn lợi thủy sản và cảnh quan môi trường du lịch theo hướng hiện đại.
Nhận thức rõ tình hình, quan tâm đến đời sống nhân dân, lãnh đạo tỉnh đã chủ trương ban hành nhiều chính sách có lợi cho người dân vùng dự án. Ngày 1-3-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 705/2016/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân thị xã Sầm Sơn bị ảnh hưởng bởi dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn”. Đây là một chính sách rất ưu việt, hỗ trợ đền bù cao hơn nhiều so với các dự án trước đây.
Theo quyết định này, nếu bà con cam kết phá bỏ bè, mủng thì sẽ được hỗ trợ với mức 70 triệu đồng/bè, 50 triệu đồng/mủng; đồng thời hỗ trợ ngư dân ổn định đời sống trong 6 tháng với mức tương đương 30kg gạo tẻ/người/tháng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã quyết định hỗ trợ mua mới, đóng mới tàu cá có công suất từ 30CV trở lên với mức hỗ trợ một lần sau đầu tư (tương đương với mức lãi xuất hỗ trợ khi vay vốn ngân hàng) bằng 35% giá trị con tàu; hỗ trợ lãi xuất khi vay vốn ngân hàng với mức 7%/năm trên tổng số vốn vay trong thời hạn 5 năm (trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và các văn bản hướng dẫn có liên quan trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa); hỗ trợ tìm nghề mới cho các hộ gia đình giải bản bè, mủng với mức 12 triệu đồng/bè và 8 triệu đồng/mủng; thưởng cho những người thực hiện trước ngày 15-3-2016 với mức 10 triệu đồng một bè, mủng. Chính sách này cũng sẽ được thực hiện đối với những hộ ngư dân tự giác di chuyển bè, mủng ra khỏi vùng dự án đến địa điểm khác phù hợp như: Bãi biển Vinh Sơn (phường Trường Sơn); bãi biển xã Quảng Vinh, Quảng Hùng... thị xã Sầm Sơn.
Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn không đồng tình với chính sách của tỉnh, kiến nghị đòi để lại một đoạn bãi biển khoảng 500m làm nơi tập kết bè, mủng. Việc làm này là không phù hợp với chủ trương của tỉnh, đồng thời phá vỡ cảnh quan, không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương như đã được phê duyệt.
Trong các ngày từ 26-2-2016 đến nay, mỗi ngày có hàng trăm lượt công dân (ngày đông nhất có đến gần 400 người) của xã Quảng Cư và các phường Trung Sơn, Trường Sơn thuộc thị xã Sầm Sơn tụ tập đông người trước Trụ sở UBND tỉnh, Trụ sở Tiếp công dân tỉnh, trụ sở Tỉnh ủy và thị xã Sầm Sơn khiếu kiện đòi giữ lại bãi tập kết thuyền, bè đánh cá của ngư dân, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông và hoạt động bình thường của một số cơ quan Nhà nước và dân cư trên địa bàn TP Thanh Hóa và thị xã Sầm Sơn, diễn biến của sự việc ngày càng có chiều hướng phức tạp. Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh đã tăng cường tiếp công dân tại trụ sở tiếp dân của UBND tỉnh và trụ sở tiếp công dân của UBND thị xã Sầm Sơn và tại trụ sở 4 phường, xã (Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn, Quảng Cư) để người dân được giãi bày tâm tư, nguyện vọng, đồng thời tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và chấp hành chủ trương của tỉnh. Đến nay, đã có các hộ ký nhận tiền hỗ trợ theo cơ chế, chính sách của tỉnh và thống nhất di chuyển về bến mới theo quy định của tỉnh trước ngày 15-3-2016.
Thời gian qua, đa số các cơ quan báo chí và hầu hết các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Sầm Sơn đồng tình ủng hộ chủ trương đúng đắn này của tỉnh. Tuy nhiên, còn một số thông tin, dư luận thiếu khách quan, phản ánh một chiều theo một số đối tượng chống đối, không đại diện cho nguyện vọng của đông đảo bà con ngư dân thị xã Sầm Sơn, ví dụ như: “Cái dân cần không phải là tiền hỗ trợ mà họ cần sự bình yên để sống với nghề biển”; “Biển vốn là của chung, là “nồi cơm” của hàng vạn con người, nơi đây bỗng nhiên bị cấm đoán, cản trở và xua đuổi”; “Chúng tôi sẽ sống bằng gì nếu mất bãi biển”... Những thông tin trên đang làm bất lợi đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, quản lý của lãnh đạo tỉnh trong việc thực hiện dự án và đi ngược lại với nguyện vọng của nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói chung và thị xã Sầm Sơn nói riêng, cản trở sự phát triển của tỉnh và trực tiếp là thị xã Sầm Sơn.
Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 3-3-2016 cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “gây rối trật tự công cộng” và đang tiến hành điều tra, củng cố chứng cứ về hành vi phạm tội của một số đối tượng để xử lý nghiêm trước pháp luật.
Hiện nay, lãnh đạo tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng và thị xã Sầm Sơn tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân các xã, phường trên địa bàn chấp hành các chủ trương, chính sách của tỉnh đã ban hành, nhằm ổn định tình hình, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Nhóm PV thời sự
(Nguồn: Báo Thanh Hóa điện tử)
(Nguồn: Báo Thanh Hóa điện tử)
Các tin khác
- Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng: Từ đổi mới đến khát vọng bứt phá
- Hoạt động hiệu quả, Lasuco đang mở ra chu kỳ phát triển mới nhanh và bền vững
- Thực hành đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới - cơ sở quan trọng góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng
- Phát huy vai trò của Trang thông tin điện tử Đảng uỷ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác tư tưởng của Đảng
- Những hình ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo được nhân dân yêu mến
- Kết quả công tác phát triển đảng viên mới trên địa bàn tỉnh
- Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa
Truy cập
Hôm nay:
2106
Hôm qua:
1899
Tuần này:
2106
Tháng này:
9383
Tất cả:
2855216