Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Thanh Hóa

(THO) - Thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0), một cuộc cách mạng sản xuất gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, tích hợp và kết nối internet. Điều này sẽ tạo ra những đột phá về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp (DN) về nguy cơ tụt hậu công nghệ cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, lao động, nhất là đối với những DN nhỏ và vừa như ở tỉnh ta.

 ảnh 1.jpg

Ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất tại
Công ty CP Đầu tư phát triển Vicenza (KCN Lễ Môn).


Rộng mở cơ hội ứng dụng công nghệ

Máy cưa gỗ khổ lớn panel, máy cưa bàn trượt, máy dán cạnh... Những máy móc kỹ thuật số, tự động hóa có giá trị hàng tỷ đồng đã được Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức nhập về để sản xuất các sản phẩm đồ gỗ nội thất. Bà Vũ Thị Ngọc Anh, giám đốc công ty, cho biết: Việc sử dụng máy móc hiện đại không chỉ bảo đảm độ chính xác, mỹ thuật mà còn giúp tăng năng suất lên khoảng 300%. Sự phát triển của công nghệ số hóa cũng giúp đơn vị có điều kiện ứng dụng các phần mềm vào khâu thiết kế, quản lý lao động để năng suất lao động ngày một nâng lên. Đây cũng chính là một trong những bước chuẩn bị của DN trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Là DN viễn thông hàng đầu trên địa bàn tỉnh, VNPT Thanh Hóa cũng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài việc đầu tư hạ tầng mạng băng thông rộng và siêu rộng trên cả mạng cố định và di động, VNPT Thanh Hóa đang tập trung phát triển và cung cấp các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin thông minh và quản trị sáng tạo với chiến lược chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu. Đại diện VNPT cho biết: Đơn vị hiện đang tập trung mạnh vào mảng công nghệ thông tin, với các giải pháp tổng thể về cung cấp chính quyền điện tử, giáo dục thông minh, y tế thông minh... Bên cạnh đó, VNPT cũng sẽ xúc tiến, đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ số tiên tiến nhất trên thế giới, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin ổn định và tốc độ cao; đồng hành cùng các DN trong việc đào tạo đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu của thời đại số hóa.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Túy, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nhận định: Với cuộc cách mạng này, các chi phí cho giao thông và thông tin sẽ giảm xuống, dịch vụ hậu cần và chuỗi cung ứng sẽ trở nên hiệu quả hơn. Đối với các DN trên địa bàn tỉnh, cuộc cách mạng này sẽ là cơ hội lớn để tiếp cận, ứng dụng và đổi mới công nghệ sản xuất. Nhiều ngành công nghiệp đang chứng kiến sự du nhập của các công nghệ mới, thúc đẩy tốc độ sản xuất và nâng cao năng suất lao động. Hiện nay, các chính sách ưu đãi đối với DN đầu tư cho khoa học công nghệ cũng đã khá rõ ràng, như: Cho phép DN trích 10% lợi nhuận trước thuế để thành lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ; miễn, giảm thuế thu nhập DN, miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất đối với DN khoa học công nghệ... Tại Thanh Hóa, DN của tỉnh sẽ được hỗ trợ cho các nội dung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới, đổi mới thiết bị công nghệ... với mức hỗ trợ đối đa lên tới 6 tỷ đồng. Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để các DN sẵn sàng thích ứng với cuộc cách mạng này.

Nhiều thách thức

Tại hội thảo về tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với DN nhỏ và vừa ở Thanh Hóa do VCCI Thanh Hóa tổ chức, vấn đề thách thức đặt ra đối với các DN được các đại biểu bàn luận dưới nhiều khía cạnh. Theo các chuyên gia kinh tế, bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Bởi vậy, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến cho DN vô vàn những cơ hội ứng dụng công nghệ mới, tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất sản phẩm. Đồng thời, mở rộng thị trường một cách không hạn chế thông qua không gian mạng. Tuy nhiên, đa số DN Thanh Hóa hiện là DN nhỏ và siêu nhỏ, năng lực tài chính yếu, nên việc đổi mới công nghệ diễn ra còn chậm. Do đó, DN sẽ rất dễ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu về công nghệ, chất lượng nguồn lao động, năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Đại diện Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức chia sẻ: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, sản phẩm trên thị trường sẽ ngày càng đa dạng hơn về chủng loại, mẫu mã, giá cả cũng sẽ hấp dẫn và cạnh tranh hơn. Do đó, công ty đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư máy móc hiện đại, có ứng dụng mới nhất trên thế giới để đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, sau đầu tư, thời gian thu hồi vốn khá dài. Đó là một trong những thách thức lớn mà DN cần phải hoạch định chiến lược đầu tư một cách hợp lý, cân đối các nguồn vốn để mang lại hiệu quả cao nhất.

Không chỉ khó khăn về vốn, một môi trường với đa dạng, vô vàn những thông tin về công nghệ cũng khiến nhiều đơn vị băn khoăn, lựa chọn để đầu tư, ứng dụng. Đại diện Công ty TNHH AEONMED Việt Nam (Khu Công nghiệp Lễ Môn) chia sẻ: Hiện nay, thông tin thị trường và khảo sát thị trường tại Việt Nam chưa thực sự chính xác, cụ thể và khoa học. Điều đó gây nên những khó khăn cho DN trong việc tìm kiếm, lựa chọn sản phẩm, dịch vụ phù hợp về mặt tài chính và mang tính cạnh tranh cao.

Hiện nhiều DN trong tỉnh, nhất là các DN dệt may đang tận dụng được lợi thế về nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, trong xu thế của cách mạng 4.0, các nhà sản xuất sẽ ngày càng quan tâm hơn tới việc đẩy mạnh các ứng dụng khoa học - công nghệ để tự động hóa sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn tại nơi làm việc. Rô-bốt, công nghệ in 3D, kết nối thông minh qua internet... sẽ được sử dụng rộng rãi tại nhiều nhà máy, cơ sở cung ứng dịch vụ. Việc sử dụng, vận hành máy móc hiện đại chắc chắn sẽ đòi hỏi về trình độ lao động cao hơn. Ðiều đó một mặt tạo điều kiện phát triển việc làm cho những lao động có trình độ, kỹ năng và khả năng sáng tạo, tuy nhiên, những lao động phổ thông, đảm nhận những công đoạn sản xuất giản đơn sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về việc làm. Các DN cũng sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả đối với những sản phẩm được sản xuất theo những dây chuyền công nghiệp tự động.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay có khoảng 13.000 DN. Đây sẽ là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhận diện và nắm bắt sớm những cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng này để thay đổi, phát triển là yêu cầu tất yếu đặt ra đối với từng DN. Tuy nhiên, các DN cũng rất cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực hơn để đổi mới công nghệ. Các cấp chính quyền cũng cần tích cực hơn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, tạo thuận lợi nhất cho DN phát triển và hội nhập.
 
(Nguồn: Báo Thanh Hóa điện tử)
Truy cập
Hôm nay:
969
Hôm qua:
1647
Tuần này:
12767
Tháng này:
6347
Tất cả:
2852180