Bãi cát, mặt biển là tài sản quốc gia, không thuộc quyền quản lý của bất cứ tổ chức, cá nhân nào

(THO) - Từ những năm đầu thế kỷ XX, biển Sầm Sơn đã được biết đến là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.


22.jpg
 
 Những công trình của Tập đoàn FLC được xây dựng trên địa bàn xã Quảng Cư đã đem lại diện mạo mới cho du lịch Thanh Hóa. Ảnh: L.Đ
 
Tuy nhiên, trải qua nhiều giai đoạn đầu tư và quá trình khai thác, hiện trạng không gian ven biển đã bộc lộ nhiều bất cập. Bãi biển tuy đẹp, nhưng chưa có quy hoạch và thiết kế cảnh quan, không gian, kiến trúc. Nhiều khu ki ốt phục vụ dọc bãi biển xây dựng bằng vật liệu tạm, lộn xộn, thiếu thẩm mỹ, ảnh hưởng đến tầm nhìn ra biển. Việc thoát nước mưa, nước thải tự do của các ki ốt, đặc biệt là các khu chế biến thực phẩm, khu vệ sinh, ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường bãi tắm. Các công trình phục vụ công cộng, đặc biệt là các điểm nhấn về cảnh quan còn thiếu, khả năng thu hút khách vào mùa  đông hầu như không có; các hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại chủ yếu tập trung vào 3 tháng hè. Các khu vui chơi, giải trí tuy có, nhưng lạc hậu và thiếu sức hấp dẫn. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch thiếu đồng bộ.
 
Để khắc phục tình trạng trên, xây dựng thị xã Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch hiện đại, thân thiện và hấp dẫn, sớm đưa Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm của quốc gia, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có chủ trương và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4294/QĐ-UBND ngày 26-10-2015, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương; Quyết định số 5383/QĐ-UBND ngày 22-12- 2015 phê duyệt hồ sơ đề xuất Dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn”. Theo đó, tại không gian ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương với quy mô 319.860 m2 (từ khu du lịch Vạn Chài đến khu di tích đền Độc Cước),sẽ được bố trí 15 khu chức năng theo tiêu chí hiện đại, thân thiện và hấp dẫn du khách, như: Khu công trình phục vụ nhu cầu của khách tắm biển (tắm tráng nước ngọt; thuê phao bơi, áo tắm, gửi đồ); khu công trình công cộng có mục đích kinh doanh (bar, cà – phê, giải khát...); khu vui chơi giải trí kết hợp công viên cây xanh...
 
Đây là dự án cần nguồn kinh phí lớn, theo dự toán là 315 tỷ (bao gồm cả kinh phí giải phóng mặt bằng), cần được triển khai dự án theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao). Chủ đầu tư là thị xã Sầm Sơn đã thực hiện các bước tổ chức đấu thầu, xét thầu và lựa chọn nhà thầu đúng theo quy định và đơn vị trúng thầu là Tập đoàn FLC. Trước đó, tỉnh, thị xã đã mời gọi nhiều doanh nghiệp khác, nhưng tất cả đều từ chối.  Tuy nhiên, FLC cũng chỉ là nhà thầu xây dựng, vận hành, khai thác chuyển giao các hạng mục đã được tỉnh quy hoạch là các ki ốt, các điểm tắm tráng, chỉnh trang cảnh quan đô thị, các hạng mục còn lại trong dự án vẫn thuộc sự quản lý của tỉnh và thị xã. Bên cạnh đó, không như lo lắng của người dân, bãi cát, mặt biển là tài sản quốc gia, Nhà nước giao cho thị xã Sầm Sơn quản lý, do đó không thuộc quyền quản lý của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác.
 
Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn Lê Ngọc Chiến, khẳng định: Việc cải tạo, nâng cấp bãi biển Sầm Sơn là chủ trương đúng đắn của tỉnh Thanh Hóa nhằm thay đổi diện mạo Sầm Sơn theo hướng khang trang, hiện đại; đồng thời thay đổi cách nghĩ, cách làm du lịch của địa phương.
 
Do tính cấp thiết của dự án là phải hoàn thành trước 30 – 4 để phục vụ mùa du lịch Sầm Sơn năm 2016, nên ngay sau khi có mặt bằng, các đơn vị thi công đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung nhân lực, vật lực, thi công dự án bảo đảm tiến độ đề ra. Sau chưa đầy 1 tháng, các đơn vị thi công  dự án  đã đồng loạt triển khai xây dựng  14 khu chức năng, 12 khu tắm tráng, xây dựng kè biển từ đền Độc Cước đến Khu du lịch Vạn Chài, hệ thống thoát nước mưa, thu gom xử lý nước thải và trồng cây xanh... dự kiến đến ngày 25-3, sẽ hoàn thành toàn bộ dự án.
 
Tuy nhiên, trên khuôn viên bãi biển với chiều dài 3,5 km thuộc không gian dự án, có khoảng 705 bè, mủng có công suất từ 6 CV đến dưới 20 CV hành nghề khai thác hải sản đang neo đậu. Theo chủ trương của tỉnh, toàn bộ số phương tiện này phải di dời để phục vụ cải tạo, nâng cấp bãi biển Sầm Sơn. Việc di dời số phương tiện này là vấn đề có liên quan đến 1.130 lao động trực tiếp và ảnh hưởng đến đời sống của nhiều nhân khẩu phụ thuộc khác.Chính vì thế, các cấp, ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở, cùng nhân dân đã nhiều lần họp, bàn phương án di dời, như: Hỗ trợ di dân đến bến hiện có là Âu thuyền phường Quảng Tiến; di dời đến khu vực cống Trường Lệ, khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn; di dời đến xã Quảng Đại, Quảng Hùng... Tuy nhiên, xét thấy các phương án này gây bất lợi nhiều mặt cho nhân dân, nên đều khó thực hiện. Và cuối cùng, phương án hỗ trợ ngư dân giải bản tàu thuyền, nâng cấp phương tiện và hỗ trợ chuyển nghề đã được lựa chọn. Ngày 1-3-2016, UBND tỉnh đã có Quyết định 705/2016/QĐ-UBND về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân trên địa bàn xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, phường Trường Sơn, phường Bắc Sơn bị ảnh hưởng của dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương”.
 
Qua các lần đối thoại với nhân dân, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều đã khẳng định: Đây là chính sách riêng, áp dụng cho ngư dân các phường, xã nói trên của thị xã Sầm Sơn với mức ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành. Đồng thời, việc ban hành chính sách cũng chính là việc triển khai thực hiện Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 4-5-2005 của Chính phủ, Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 1-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản và Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20-3-2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Chỉ thị số 18/2010/CT-UBND ngày 27-8-2010 của UBND tỉnh. Trong đó có nội dung hỗ trợ ngư dân phá bỏ tàu, thuyền và cam kết không đóng mới, mua mới, sử dụng tàu, thuyền có công suất máy chính dưới 30 CV và không cấp phép khai thác thủy sản cho các tàu cá có công suất máy dưới 30 CV; tiến tới xóa bỏ hoàn toàn phương tiện khai thác gần bờ có công suất dưới 30 CV; kiên quyết không cho các tàu cá có công suất dưới 30 CV, không  bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật hoạt động, khai thác hải sản trái phép trên biển, nhất là khu vực gần bờ. 
 
Trong quá trình thực hiện công tác tuyên truyền về dự án và các buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, thị xã Sầm Sơn, người dân đều có thái độ đồng thuận, tin tưởng rằng dự án sẽ mang lại diện mạo mới cho Sầm Sơn, thúc đẩy du lịch phát triển. Về việc phản ứng của bà con với chủ trương, chính sách của tỉnh như những ngày qua tại TP Thanh Hóa là trái với quy định của pháp luật.
 
Cũng từ phản ứng trong thời gian qua, có thể thấy rõ sự bằng lòng của bà con. Cùng trong một môi trường sống, môi trường làm việc, nhưng sợ hãi khi phải thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, tiến tới một phương thức sản xuất mới tiên tiến hơn, hiện đại hơn và sợ hãi trước những khó khăn, rủi ro phía trước, dù những thay đổi đó, rõ ràng hứa hẹn mang đến thời cơ để thoát khỏi nghèo khó đeo đẳng bao đời nay. Trong số lao động ảnh hưởng bởi dự án, có tới 30% trong độ tuổi tráng niên, nên cần lắm một lực lượng tiên phong, dám thay đổi, dám bước từ những bè, mủng lên những tàu lớn, vươn khơi. Đằng sau họ, còn cả hệ thống chính trị hỗ trợ, như khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại các cuộc đối thoại: Tỉnh sẽ hỗ trợ bà con ở mức tối đa, coi việc ổn định sinh kế và đời sống là gốc rễ của vấn đề.
 

Nhóm PV thời sự
(Nguồn: Báo Thanh Hóa điện tử)
Truy cập
Hôm nay:
1927
Hôm qua:
1899
Tuần này:
1927
Tháng này:
9204
Tất cả:
2855037