Giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Nhận rõ vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản về công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định “Coi trọng công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng, chất lượng; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong công nhân trực tiếp sản xuất, trí thức và doanh nhân”; ngày 27/9/2021 Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 08-HD/BTCTW về kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng.

Quán triệt các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong những năm qua Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/NQ, ngày 23/7/2018 “Về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025”; Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 28/5/2021 “Về tăng cường công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ tỉnh trong thời gian tới”, đồng thời luôn quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện chủ trương phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tình hình phát triển doanh nghiệp trong tỉnh những năm qua đạt kết quả rất tích cực (đến hết năm 2021, tại Thanh Hóa có 20.500 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 326.919 lao động); toàn tỉnh có 20.344 doanh nghiệp dân doanh; 128 doanh nghiệp FDI, trong đó có 367 doanh nghiệp có tổ chức đảng chiếm 1,79% số doanh nghiệp toàn tỉnh, với tổng số 10.610 đảng viên; có 41 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh với 4.715 đảng viên.

Cùng với sự ra đời và phát triển nhanh của các doanh nghiệp, tổ chức đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đảng viên, đoàn viên, hội viên và công nhân lao động của các doanh nghiệp trong toàn tỉnh nói chung và các doanh nghiệp trực thuộc Đảng bộ Khối Cơ quan và doanh nghiệp tỉnh nói riêng.

Công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể của Đảng bộ Khối luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được Tỉnh ủy giao, trong 2 năm 2019-2020 đã thành lập được 26 tổ chức đảng: 03 đảng bộ, 07 chi bộ cơ sở và 13 chi bộ thuộc đảng bộ cơ sở (kế hoạch được giao 10 tổ chức đảng). Trong 03 năm 2018-2020, đã kết nạp 769 đảng viên mới đạt 129% kế hoạch (kế hoạch giao 600 đảng viên), trong đó, tổ chức đảng trong doanh nghiệp Nhà nước kết nạp 452 đảng viên, chiếm 59%; tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân kết nạp 317 đảng viên, chiếm 41%. Riêng năm 2021 kết nạp được 798 đảng viên, trong đó các đơn vị doanh nghiệp kết nạp 300 đảng viên, gồm doanh nghiệp Nhà nước: 220 đảng viên; doanh nhiệp tư nhân 80 đảng viên.

Mặc dù có nhiều cố gắng, song trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo còn nhiều hạn chế như: Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức đảng quá ít so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Số lượng đảng viên được kết nạp và tổ chức đảng được thành lập ít và chậm; phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn khó khăn, chưa thành lập được tổ chức đảng trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chất lượng hoạt động của một số tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân hiệu quả thấp, phương thức lãnh đạo còn lúng túng; một số tổ chức đảng hoạt động còn hình thức, sinh hoạt chi bộ không đều, chất lượng hạn chế, chưa xây dựng được quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa tổ chức đảng với chủ doanh nghiệp; năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác đảng trong các doanh nghiệp, nhất là trong các doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế.

Trên cơ sở đánh giá, phân tích những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, xin đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, đặc biệt là chủ doanh nghiệp đối với công tác xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của của các cấp ủy đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI chưa có tổ chức đảng, đoàn thể.

3. Chỉ đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp; đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của doanh nghiệp; khảo sát những đảng viên là người lao động trong doanh nghiệp để làm nòng cốt vận động thành lập tổ chức đảng, đoàn thể ở doanh nghiệp.

4. Phát huy vai trò, trách nhiệm và tranh thủ sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp, đặc biệt là chủ doanh nghiệp FDI, sự phối hợp có trách nhiệm giữa cấp ủy, chính quyền với VCCI Thanh Hóa, Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh trong việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể.

5. Quan tâm xây dựng, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng viên cho đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ làm công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.

Mai Quỳnh Nga - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối

Truy cập
Hôm nay:
609
Hôm qua:
2178
Tuần này:
10760
Tháng này:
4340
Tất cả:
2850173