Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện tính đảng đối với cán bộ, giảng viên Trường chính trị

Thực tiễn cách mạng xã hội chủ nghĩa đã chứng minh “tính đảng” là thuộc tính căn bản, cốt lõi và bản chất của Đảng Cộng sản. Chính vì vậy, với cương vị là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, trong suốt quá trình cùng với Đảng lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng, phát huy “tính đảng” của cán bộ, đảng viên và yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên phải nêu cao “tính đảng” trong công tác cũng như cuộc sống. Người khẳng định, tính Đảng có vai trò hết sức quan trọng: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc”. “Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên” và sẽ là nguyên nhân của những căn bệnh như: Bệnh ba hoa, địa phương, ham danh vị, thiếu kỷ luật, cẩu thả, xa quần chúng, chủ quan, hình thức, ích kỷ, hủ hoá, thiếu ngăn nắp, lười biếng. Nếu cán bộ, đảng viên mắc phải một trong các căn bệnh nguy hiểm sẽ làm hỏng việc, gây hại cho Đảng.

Tính đảng của cán bộ, đảng viên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết là phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người đã nêu rõ:“Bất kỳ bao giờ, bất kỳ việc gì, đều phải tính đến lợi ích chung của Đảng, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, việc của cá nhân và lợi ích của cá nhân phải để lại sau. Đó là nguyên tắc tối cao của Đảng. Mỗi một đảng viên phải ghi chắc điều đó. Chúng ta gọi nó là Đảng tính”. Thứ hai là khi tiến hành công việc nhất thiết “Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”.  Thứ ba là “Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”.

Để rèn luyện tính đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên cần phải  không ngừng học tập, trau dồi lý luận. Bởi vì,“…có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình...”. Phải thực hiện tự phê bình và phê bình nghiêm túc, đồng thời nghiêm ngặt kiểm tra, kiên quyết thực hành kỷ luật.

Đối với giảng viên trường Chính trị, hầu hết đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những tiêu chuẩn của người đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng chính là phải suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, với tư cách là một đảng viên, đòi hỏi người giảng viên trường Chính trị phải luôn chú trọng việc rèn luyện, nâng cao tính đảng. Hơn nữa, giảng viên trường Chính trị chính là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng và để có thể hoàn thành được trọng trách đó thì trước hết, giảng viên phải là những tấm gương về việc nêu cao tính đảng cả trong tư tưởng và hành động.

Từ những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện tính đảng của  cán bộ, đảng viên, liên hệ với chức trách nhiệm vụ của người giảng viên trường Chính trị có thể thấy, tính đảng của người giảng viên phải thể hiện cụ thể đó là:

Thứ nhât, đó là sự vững vàng về bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm, tận tụy, hết lòng vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.

Bản lĩnh chính trị vững vàng chính là một trong những biểu hiện cụ thể của tính đảng. Điều này đòi hỏi, trong bất kỳ tình huống nào thì giảng viên trường chính trị - những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng cũng phải là những người luôn giữ vững niềm tin và trung thành tuyệt đối với nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng cách mạng mà Đảng và Nhân dân đã lựa chọn, không ngả nghiêng, dao động trước những khó khăn thử thách và sự chống phá của các thế lực thù địch. Ngay trong mỗi bài giảng mà giảng viên truyền tải tới học viên cũng phải là những thông điệp của giảng viên về bản lĩnh chính trị và niềm tin cộng sản; là những “viên đạn” hiệu quả công phá vào những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, từ đó góp phần quan trọng trong tuyên truyền Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để định hướng tư tưởng đúng đắn cho người học, thông qua đó giúp người học xác định đúng mục đích, động cơ tính thần, thái độ, phương pháp học tập và công tác.

Đồng thời, cùng với bản lĩnh chính trị vững vàng thì tính đảng của giảng viên trường chính trị cũng thể hiện ở tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy, hết lòng vì nhiệm vụ chung của nhà trường trong công tác đạo tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng. Theo đó, trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình, giảng viên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm vì tập thể để vượt qua mọi khó khăn, thử thách và không ngừng nỗ lực cố gắng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ cũng như kỹ năng, nghiệp vụ để cùng với tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.

Thứ hai, giảng viên phải thực sự là tấm gương mẫu mực về ý thức tổ chức kỷ luật, đặc biệt là về kỷ luật trong phát ngôn và việc tuân thủ, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Bởi vì, như đã nêu ở trên, giảng viên trường chính trị hầu hết đều là đảng viên, mà đối với người đảng viên cộng sản khi tự nguyện gia nhập hàng ngũ của Đảng thì đồng nghĩa với việc tuân thủ nghiêm ngặt tính tổ chức và tính kỷ luật của Đảng. Đây được xem là “hành lang pháp lý” của Đảng để người đảng viên rèn luyện và phấn đấu không ngừng. Vì vậy, trong rèn luyện, nâng cao tính đảng, thì người giảng viên phải thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn, nói viết và làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, trong đó trước hết phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, luôn tôn trọng và tuân thủ ý kiến tập thể, chấp hành nghiêm túc các nghị quyết của tổ chức đảng; luôn luôn tự giác trong tự phê bình và phê bình, để nhận rõ những hạn chế, yếu kém của bản thân và không ngừng nỗ lực cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời góp phần giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp cùng phát triển để xây dựng tập thể nhà trường ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh;…

Thứ ba, giảng viên phải có đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, nói luôn đi đôi với làm và có tác phong làm việc khoa học. Đây cũng chính là sự biểu hiện cụ thể về tính đảng của giảng viên trường chính trị trong chính đạo đức, lối sống và tác phong làm việc. Bởi vì, để có thể hoàn thành chức trách nhiệm vụ của người giảng viên trường chính trị - những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng thì đòi hỏi mỗi giảng viên cũng phải là những tấm gương về đạo đức cách mạng, trong công việc cũng như trong lối sống phải luôn thể hiện sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, luôn tận tâm, nhiệt huyết vì học viên và hết lòng, hết sức vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.

Bên cạnh đó, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, tính đảng còn được thể hiện đó là “Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”. Đây là một trong những biểu hiện của tính đảng và cũng chính là sự thể hiện của tác phong làm việc khoa học, nó trái ngược với những biểu hiện kém tính đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu đó là: Bệnh ba hoa, thiếu kỷ luật, cẩu thả, chủ quan, hình thức, thiếu ngăn nắp, lười biếng,… Điều này đòi hỏi, ngay từ trong công tác nghiên cứu, giảng dạy cũng như trong thực hiện những việc chung Đảng bộ, chi bộ và của nhà trường, khi đề cập bất kỳ một vấn đề gì thì giảng viên phải tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc để đảm bảo tính khách quan, trung thực, tránh sự suy diễn chủ quan trong truyền đạt những thông tin, kiến thức đến học viên hoặc tham mưu, đề xuất các ý kiến thiếu căn cứ khoa học đối với lãnh đạo. Đồng thời, trong thực hiện nhiệm vụ của cá nhân cũng như của tập thể, mỗi giảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm, tránh tình trạng làm qua loa, đối phó, thấy dễ thì làm, thấy khó thì đùn đẩy.

Tóm lại, sinh thời, trong suốt quá trình cùng với Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc rèn luyện tính đảng và đã có những chỉ dẫn cụ thể về việc rèn luyện tính đảng của cán bộ, đảng viên. Đến nay, những quan điểm, chỉ dẫn của Người vẫn còn nguyên giá trị, đang tiếp tục soi sáng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ, để Đảng ta thật sự là đạo đức, là văn minh, vững mạnh về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đối với các giảng viên Trường chính trị - những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng, việc rèn luyện, nâng cao tính đảng là một trong những yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, để nâng cao tính đảng, đòi hỏi trước hết mỗi giảng viên phải phát huy tinh thần trách nhiệm trong tự tu dưỡng, rèn luyện, bởi vì chỉ khi nào giảng viên thấy rõ được đó là nhu cầu tự thân để chủ động trong tự tìm tòi cách thức và quyết tâm trong rèn luyện thì mới có hiệu quả thực sự. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường cũng phải thường xuyên chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện để nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của giảng viên trong việc tự tu dưỡng, rèn luyện, đồng thời tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra và thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những biểu hiện kém tính đảng của giảng viên để mỗi giảng viên của nhà trường đều xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng.

Th.s Lê Hải Yến - Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

 

Truy cập
Hôm nay:
1046
Hôm qua:
2178
Tuần này:
11197
Tháng này:
4777
Tất cả:
2850610