Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về huấn luyện lý luận cho cán bộ vào đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở trường Chính trị tỉnh hiện nay
Năm 1947, giữa thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta bước sang năm thứ 2 với nhiều khó khăn, thử thách, mặc dù trong điều kiện hết sức bận rộn, nhưng với sự trăn trở trước những vấn đề đang đặt ra đối với Đảng, đặc biệt là về năng lực cầm quyền của Đảng, về đạo đức, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” nhằm nâng cao nhận thức lý luận, nâng cao phẩm chất đạo đức, tác phong của người cán bộ cách mạng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong tình hình, nhiệm vụ mới. Tác phẩm gồm 6 phần chính và đề cập đến nhiều nội dung, trong đó huấn luyện cán bộ là một trong những nội dung được Người đề cập và đã có những chỉ dẫn rất cụ thể.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh,“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1); “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”(2). Và để có cán bộ tốt, Người cho rằng, Đảng cần phải chú trọng huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đó chính là công việc gốc của Đảng. Về nội dung huấn luyện cán bộ, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định là phải huấn luyện toàn diện về chuyên môn, nghề nghiệp; huấn luyện về chính trị, về văn hóa, về lý luận; huấn luyện về đạo đức mới - đạo đức cách mạng. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đi sâu nghiên cứu đến nội dung huấn luyện lý luận được Người đề cập trong tác phẩm để từ đó liên hệ với việc thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay.
Thứ nhất, về vai trò của lý luận và sự cần thiết phải huấn luyện lý luận
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận”(3) và lý luận có vai trò hết sức to lớn đối với thực tiễn, lý luận "như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi"(4), cán bộ, đảng viên có học tập lý luận thì “mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình...” (5). Tuy nhiên, trong thực tế như Người đã nêu trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, có những cán bộ cán bộ, đảng viên, làm được việc, có kinh nghiệm, nhưng “họ lại mắc phải cái bệnh khinh lý luận. Họ quên rằng: nếu họ đã có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc tốt hơn nhiều. Họ quên rằng: kinh nghiệm của họ tuy tốt, nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi, chỉ thiên về một mặt mà thôi. Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”(6). Vì vậy, Người yêu cầu “mỗi cán bộ, đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”(7). Từ đó, trong công tác huấn luyện cán bộ, Người xác định huấn luyện về lý luận là một trong những nội dung hết sức quan trọng và trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người cũng đã có những chỉ dẫn rất cụ thể về mục đích, yêu cầu, phương pháp huấn luyện lý luận và cách thức tổ chức huấn luyện lý luận cho cán bộ.
Thứ hai, về mục đích, yêu cầu của công tác huấn luyện lý luận cho cán bộ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích của công tác huấn luyện cán bộ, trong đó có huấn luyện về lý luận là làm cho mỗi cán bộ tiếp thu, bổ sung thêm những hiểu biết mới, nâng cao tầm nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, tu dưỡng đạo đức cách mạng, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, tiền đồ của dân tộc, rèn luyện phong cách làm việc tốt hơn. Quan trọng hơn là sau khi được huấn luyện, người cán bộ có thể thực hành trong thực tiễn công tác, làm việc tốt hơn, cống hiến được nhiều hơn như Bác từng viết “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”(8).
Để đạt mục đích đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có sự nỗ lực của cả người huấn luyện và người học thì hiệu quả mới cao. Đối với người huấn luyện, Người cho rằng, không phải ai cũng có thể tham gia được, người làm công tác này phải thực sự là một tấm gương về đạo đức, phải làm kiểu mẫu về mọi mặt... Còn đối với người được huấn luyện: phải biết “lấy tự học làm cốt”, “phải biết tự động học tập”.
Về tài liệu huấn luyện lý luận thì phải đảm bảo đó là những tài liệu do cơ quan lãnh đạo xét duyệt. Người khẳng định: “Vô luận công tác môn nào, lớp huấn luyện nào, đều phải tuyệt đối chống bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa. Các tài liệu huấn luyện phải do cơ quan lãnh đạo xét kỹ”(9).
Thứ ba, về phương pháp huấn luyện lý luận
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, huấn luyện lý luận có hai cách: “Một cách là chỉ đem lý luận khô khan nhét cho đầy óc họ. Rồi bày cho họ viết những chương trình, những hiệu triệu rất kêu. Nhưng đối với việc thực tế, tuyên truyền, vận động, tổ chức, kinh nghiệm chỉ nói qua loa mà thôi. Thế là lý luận suông, vô ích. Một cách là trong lúc học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế”(10). Trong đó, Người phê bình cách thứ nhất. Bởi theo Người đây chính là cách giảng dạy, học tập lý luận theo kiểu nhồi sọ, thụ động không có sáng tạo, không có phản biện và không biết liên hệ với thực tế, làm cho lý luận không có sức sống, thoát ly thực tế, xa rời thực tiễn và trở thành lý luận suông. Còn cách thứ hai mới là cách huấn luyện lý luận một cách thiết thực, hiệu quả, huấn luyện theo cách đó thì “lúc học rồi, họ có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo. Thế là lý luận thiết thực, có ích” (11). Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm xuất phát của lý luận là thực tiễn. Vì vậy, trong huấn luyện cán bộ nói chung, huấn luyện về lý luận nói riêng thì học phải đi đôi với hành, lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Có như vậy, bằng kiến thức lý luận, người cán bộ sẽ giải quyết được những vấn đề trong thực tiễn, củng cố lập trường, nâng cao quan điểm và phương pháp làm việc. Đây là nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, là biện pháp cơ bản để chống lại “thực tiễn mù quáng” và “lý luận suông”.
Trong tác phẩm, Người cũng có sự hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện gắn lý luận với thực tiễn trong huấn luyện lý luận. Người viết: “Học tập thì theo nguyên tắc: kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau. Thí dụ: khoa học chính trị dùng sách vở, bài báo bàn về chiến lược, chiến thuật làm tài liệu lý luận; lấy lịch sử và kinh nghiệm tranh đấu của Đảng làm tài liệu thực tế. Khoa học kinh tế lấy "kinh tế chính trị học" làm tài liệu lý luận, lấy lịch sử kinh tế của nước ta gần 100 năm nay làm tài liệu thực tế. Các môn khác cũng thế”(12).
Thứ tư, về cách thức tổ chức các lớp
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, huấn luyện phải cụ thể, thiết thực, phải căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu của nghề nghiệp, trình độ cán bộ để tiến hành mở các lớp “Tổ chức từng ban cao cấp hoặc trung cấp. Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào. Sắp xếp thời gian và bài học cho những lớp đó, phải cho khéo, phải có mạch lạc với nhau, mà không xung đột với nhau” (13). Người cũng lưu ý: “Cách huấn luyện này là huấn luyện lâu dài. Cho nên nguyên tắc là: để phát triển nghề nghiệp mà không trở ngại đến nghề nghiệp và sức khoẻ của cán bộ”(14).
Như vậy, có thể khẳng định rằng, những nội dung về công tác huấn luyện cán bộ nói chung và huấn luyện về lý luận nói riêng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong tác phẩm Sửa đổi lối là việc chính là những chỉ dẫn rất cụ thể để từ đó có thể dễ dàng vận dụng vào thực tiễn công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Đảng trong các thời kỳ cách mạng.
Đối với Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, trong suốt quá trình hơn 70 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác huấn luyện cán bộ và chủ trương của Đảng về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và đã góp phần đào tạo cho tỉnh và một số địa phương khác nhiều thế hệ cán bộ đáp ứng yêu cầu của cách mạng. Tuy nhiên, hiện nay khi đất nước đang tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp như Nghị quyết Đại hội XIII xác định là: có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết, đòi hỏi Trường Chính trị tỉnh phải tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác huấn luyện cán bộ, đặc biệt trong công tác huấn luyện lý luận, đồng thời quán triệt quan điểm của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo tinh thần khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại” (15) nhằm tiếp tục không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Trong đó, cần tập trung một số nội dung cụ thể đó là:
Một là, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng và yêu cầu thực tiễn của công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Đảng, không ngừng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng.
Phát huy những kết quả đổi mới trong thời gian qua, trong thời gian tới, trên cơ sở bám sát mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng và yêu cầu thực tiễn, căn cứ nguồn lực của Nhà trường, Ban giám hiệu cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương đơn vị thực hiện đa dạng hóa các hình thức mở lớp đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các địa phương, đơn vị. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung chương trình theo hướng rõ hơn về lý luận, sát đối tượng, phù hợp với thực tiễn. Trong đó, tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, giảng viên tập trung nghiên cứu để cập nhật, bổ sung các chuyên đề thực tiễn phù hợp với tình hình mới và nhu cầu trong công tác của cán bộ các địa phương, đơn vị để đưa vào giảng dạy ở cả các lớp đào tạo và các lớp bồi dưỡng, đồng thời, tiếp tục, kiên trì thực hiện đổi mới đồng bộ phương pháp giảng dạy ở các lớp, các hệ theo hướng lấy người học làm trung tâm và theo phương châm 3 tăng: tăng chủ động - tăng thực hành - tăng xử lý tình huống; 3 giảm: giảm thụ động - giảm độc thoại - giảm lý thuyết. Bởi vì đây là phương châm đổi mới về phương pháp giảng dạy của Nhà trường trong những năm qua đang dần đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng tích cực của học viên, đòi hỏi cần phải tiếp tục kiên trì thực hiện.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh, phát triển toàn diện công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn nhằm phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng
Để có thể thực hiện tốt được nhiệm vụ giảng dạy lý luận chính trị theo phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy, thì công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là một nhiệm vụ không thể thiếu đối với trường Chính trị. Vì vậy, hằng năm, trên cơ sở bám sát mục tiêu, định hướng nhiệm vụ khoa học, các chương trình trọng tâm, các khâu đột phá của tỉnh, Nhà trường phải lựa chọn vấn đề nghiên cứu vừa mang tính thời sự, vừa mang tính chiến lược, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn địa phương để định hướng cho cán bộ, giảng viên các khoa, phòng tập trung nghiên cứu nhằm phục vụ trực tiếp cho việc bổ sung, hoàn thiện chương trình, bài giảng của các loại hình đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường cùng với việc tạo môi trường, thì cũng cần quan tâm đến việc tạo động lực cho cán bộ, giảng viên khi nghiên cứu, trong đó cần tiếp tục có cơ chế hỗ trợ về kinh phí và trong công tác thi đua khen thưởng.
Ba là, tiếp tục quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên về mọi mặt nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong công tác huấn cán bộ nói chung, huấn luyện lý luận nói riêng, người huấn luyện đóng vài trò hết sức quan trọng. Thực tiễn trong quá trình thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Trường chính trị cũng cho thấy vai trò quan trọng của đội ngũ giảng viên. Giảng viên không chỉ là người định hướng, hỗ trợ học viên học tập, tiếp thu kiến thức về lý luận chính trị, khoa học quản lý, kỹ năng nghiệp vụ; định hướng cho học viên tự học, tự nghiên cứu để phát triển tư duy, phương pháp luận khoa học để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên chính là một trong những khâu đột phá, then chốt, vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc tiếp tục bồi dưỡng nâng cao về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên qua môi trường thực tiễn; xây dựng hình ảnh, tác phong của cán bộ, giảng viên Trường Chính trị theo định hướng: Nghiêm về giờ giấc; đẹp về trang phục; chuẩn trong phát ngôn; đúng mực trong ứng xử và quyết liệt đổi mới phương pháp dạy học nhằm xây dựng đội ngũ có đủ phẩm chất, tố chất, năng lực của một nhà giáo, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý.
Bốn là, tiếp tục chú trọng việc xây dựng hình ảnh, tác phong và nâng cao ý thức tự học của của học viên Trường Chính trị.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, cùng với việc khẳng định vai trò quan trọng của người huấn luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xác định người học cũng là yếu tố quan trọng để thực hiện hiệu quả công tác huấn luyện cán bộ. Vì vậy, để không ngừng nâng cao chất lượng, đào tạo bồi dưỡng, trên cơ sở phát huy vai trò gương mẫu của giảng viên, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp để xây dựng tác phong, hình ảnh của học viên trường chính trị theo nguyên tắc 3 không (không vào lớp muộn, ra sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng, sử dụng điện thoại trong giờ học), 3 có (có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong, hình ảnh đẹp; có phương pháp học tập, rèn luyện khoa học).
Tóm lại, Sửa đổi lối làm việc là một trong những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị rất lớn cả về lý luận và thực tiễn. Trong đó có những chỉ dẫn của Người về công tác huấn luyện cán bộ nói chung, huấn luyện lý luận nói riêng là những định hướng quan trọng để từ đó liên hệ thực tiễn với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình hiện nay ở các trường chính trị, trong đó có Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu cách mạng trong thời kỳ mới như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Trích dẫn:
(1), (2), (3), (4),(6),(7),(9),(10),(11),(12),(13),(14): Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr309; 280; 373;274; 274; 274-275; 313; 311-312; 312; 312; 312; 313; 313.
(5): Sđd, t.11, tr611
(8): Sđd, t.6, 268
(15): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.183
ThS Nguyễn Thị Loan - Khoa Xây dựng Đảng
- Chi bộ phòng tài chính – kế toán, đảng bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp Thanh Hóa tổ chức Đại hội điểm, nhiệm kỳ 2025-2027
- Đảng bộ bộ phận Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Đảng bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Chi bộ cơ quan Hội người cao tuổi tỉnh trao huy hiệu 40 năm tuổi đảng cho đồng chí Ngô Tôn Tẫn
- Chi bộ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ tổ chức Đại hội điểm nhiệm kỳ 2025 - 2027
- CHI BỘ HỘI BẢO TRỢ NGƯỜI KHUYẾT TẬT, TRẺ MỒ CÔI VÀ BẢO VỆ QUYỀN TRẺ EM TỈNH THANH HÓA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2024, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2025
- Chi bộ Văn phòng Ban Dự án tổ chức sinh hoạt chi bộ tháng 11
- Lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa XIV năm 2024
- Chi bộ phòng Phóng viên Báo Thanh Hóa tổ chức sinh hoạt chuyên đề tháng 11
- Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa với công tác an sinh xã hội
- Chi bộ Phòng Điều hành Dự án 1 tổ chức sinh hoạt định kỳ tháng 10