Hội Làm vườn và Trang trại tích cực tham gia chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Là tổ chức Hội có tính chất đặc thù, hoạt động trong phạm vi địa bàn toàn tỉnh. Trong những năm qua, bằng việc quán triệt, cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; bám sát chức năng nhiệm vụ và căn cứ điều kiện cụ thể, cùng với cách tiếp cận phù hợp, đổi mới, sáng tạo; Chi bộ, Cơ quan chuyên môn Tỉnh Hội và các cấp Hội Làm vườn và Trang trại (HVT-TH) trong tỉnh, đã tạo ra nhiều điều kiện mới rất cơ bản trong phát triển kinh tế VAC - Trang trại, khai thác tiềm năng lợi thế ở cả 3 vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện Chương trình Phát triển Nông nghiệp và xây dựng NTM. (Chương trình).

    Tổng hợp từ báo cáo của các Hội thành viên, trên địa bàn tỉnh hiện nay có: 1.350 ha cam, trong đó diện tích đã cho thu hoạch 835 ha, sản lượng ước đạt 13.212 tấn; 1.331 ha bưởi diễn, trong đó diện tích đã cho thu hoạch 1.030 ha, sản lượng ước đạt 38.770 tấn; 730 ha bưởi da xanh, trong đó diện tích đã cho thu hoạch 532 ha, sản lượng ước đạt 8.667 tấn; 1.070 ha ổi, trong đó diện tích đã cho thu hoạch 725ha, sản lượng ước đạt 13.402 tấn; 346,ha Thanh Long ruột đỏ, trong đó diện tích đã cho thu hoạch 243 ha, sản lượng ước đạt 745 tấn. So với năm 2017, diện tích cây Thanh Long ruột đỏ tăng 126 ha (tăng 57%), bưởi diễn tăng 889 ha (tăng 3 lần), bưởi da xanh tăng 617 ha (tăng gấp 6,46 lần). Có 7.808 cây nhãn được ghép cải tạo bằng giống nhãn Miền Thiết  (Hưng Yên) thu hoạch được 723 tấn quả, chất lượng quả tốt, tăng niềm tin cho phát triển cây nhãn trên đất Thanh Hóa. Trồng được 591ha cây dược liệu, tăng 189 ha (tăng 73%) so với năm 2017, trong đó diện tích đã cho thu hoạch 529 ha, sản lượng ước đạt 3.737 tấn.

Tổng số đàn ong mật có 101.418 đàn, tăng 30.937 đàn (tăng 45%) so với năm 2017, sản lượng mật ong đạt 1.111 tấn. Sản phẩm mật ong được tinh lọc đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Giới thiệu, chuyển giao 08 máy tinh lọc mật ong, góp phần tạo nên sản phẩm OCOP mật ong: Pù Luông (Bá Thước), Bình Sơn (Triệu Sơn), Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy), Yên Nhân (Thường Xuân), Am Các (Hội Nghi Sơn), Ngàn Nưa (Tỉnh hội).

Toàn tỉnh có 738 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT- BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, có 83 trang trại trồng trọt, 491 trang trại chăn nuôi, 26 trang trại lâm nghiệp, 79 trang trại nuôi trồng thủy sản, 59 trang trại tổng hợp. Giá trị mang lại từ cây ăn quả, mật ong, trang trại của năm 2021 hơn 3.100 tỷ đồng.

Năm 2021 và quý I năm 2022,  mặc dù có những khó khăn về đại dịch Covid-19, dịch bệnh gia súc gia cầm, song  Chi bộ, Tổ chức chuyên môn HVT-TH đã có nhiều cố gắng vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:

- Tổ chức Hội cơ sở được kiện toàn, cũng cố; số hội viên được kết nạp tăng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 27 Hội thành viên cấp huyện, thị, thành phố; 474 tổ chức cơ sở Hội (chiếm 85% số xã phường thị trấn), tăng 01 cơ sở Hội so với năm 2020; có 2.038 Chi hội, giảm 149 Chi hội so với năm 2020 (do sát nhập); 28.002 hội viên, tăng 687 hội viên (kết nạp mới năm 2021), giảm 385 hội viên so với năm 2020 (do rà soát, nâng cao chất lượng hội viên). Toàn tỉnh có 57 Câu lạc bộ Chủ trang trại hoạt động hiệu quả. Đồng thời, thành lập mới được 29 HTX, tổ hợp tác. Về sinh hoạt: Ban Thường vụ mỗi quý một lần, Ban Chấp hành 6 tháng một lần; Hội tổ chức ba cụm thi đua, mỗi cụm có 9 Huyện hội, giao ban từng cụm được 2 lần trong năm; Sinh hoạt Câu lạc bộ Chủ trang trại trong năm được 2 lần. Việc gây quỹ hội, thu nạp hội phí tốt hơn năm 2020. Công tác truyền thông trên các Trang thông tin điện tử Hội, Bản tin Hội, Zalo Hội và trên các phương tiện truyền thông được đẩy mạnh. Phong  trào thi đua Đoàn kết, sáng tạo, sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh được lan tỏa.

- Định hướng, dẫn dắc, cầu nối chuyển mạnh sang sản xuất Nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn không chất thải, thuận thiên được nhiều hội viên hưởng ứng. Diện tích cây ăn quả, sản xuất trong nhà lưới, nhà màng, có tưới nước tiết kiệm, chăn nuôi trên đệm lót sinh học hoặc có bể biogas, sử dụng chế phẩm sinh học được phát triển. Cũng trong năm 2021 các tổ chức Hội trong toàn tỉnh xây dựng được 334 vườn mẫu, 8 trang trại, 291 mô hình sản xuất; diện tích rau hoa quả canh tác trong nhà lưới nhà màng tăng thêm 244.000 m2.

Chính những kết quả đó, trong quảng thời gian 10 năm trở lại đây, HVT-TH đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng 02 Huân chương Lao động (01 Hạng Nhì, 01 Hạng Ba), Chính phủ tặng  01 cờ thi đua, Thủ tướng Chính phủ tặng 01 Bằng khen, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT tặng 01 Bằng khen, UBND tỉnh tặng 01 Cờ Thi đua, Chủ tịch UBND  tặng 2 Bằng khen, UBMTTQ tỉnh tặng 2 Bằng khen, Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam tặng 04 cờ thi đua. Và hiện tại được Cụm Thi đua số 11tôn vinh đề nghị UBND tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc năm 2021. 

Đáng chú ý cuối năm 2021 và đầu năm 2022, qua cập nhật, theo dõi, tham gia những nội dung công việc có cơ hội được tiếp cận, HVT-TH rất phấn khởi và ý thức quán triệt, tiếp thu rất cao các quyết định của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về ban hành Chương trình Phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 622-QĐ/TU ngày 23/7/2021); Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân giai đoạn 2022-2025 (Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021); và đề án Phát triển cây ăn quả tập trung giai doạn 2022-2025 (Quyết định số 198/QĐ-UBND ngày 12/01/2022). Trên cơ sở đó, HVT-TH  có thể nói là tổ chức đơn vị đầu tiên đã chủ động cụ thể hóa bằng Kế hoạch hành động tham gia thực hiện Chương trình, đã được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý, hiện các cấp Hội đang tích cực triển khai.

Theo định hướng chung cũng như kế hoạch hành động cụ thể, năm 2022 và những năm tiếp theo, hoạt động trọng tâm của HVT-TH được xác định, đó là :

1. Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu HVT-TH lần thứ VII, Đại hội Hội Làm vườn và Trang trại thành viên nhiệm kỳ 2022 – 2027, và kỷ niêm 40 năm ngày thành lập Hội. Với chủ đề xuyên suốt là “Chủ động, sáng tạo, khoa học, liên kết, phát triển”.

2. Tổ chức thành công Hội thi: “Vườn đẹp, Trang trại kiểu mẫu” trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, mục đích, ý nghĩa, phạm vi, quy mô, nội dung, đối tượng, thời gian và cách thức tiến hành trong đó hàm chứa, bao trùm tất cả những vấn đề hướng đến góp phần thực hiện thành công Chương trình Phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, giai đoạn 2021 – 2025 và cũng chính là để góp phần làm cho quê hương Thanh Hóa ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, làng bản quê ta ngày càng đáng sống; Nâng cao năng lực cán bộ hội, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, và qua đây cho thấy, một việc làm nhưng sẽ đạt được nhiều mục tiêu cụ thể, tạo ra phong trào và cách tiếp cận mới, lan tỏa bề rộng, thấm đậm, bền vững về chiều sâu, khẳng định bước đi đúng hướng, hiệu quả thiết thực.

3. Khuyến khích, tư vấn, dẫn dắc phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, không chất thải, thuận thiên.

- Tiếp tục thực hiện cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn trại mẫu: Tỉnh hội mỗi năm xây dựng được 2 - 3 vườn trại mẫu, mỗi Hội huyện hàng năm xây dựng được ít nhất 01 vườn trại mẫu, gắn với các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTm kiểu mẫu.

- Hội tỉnh cùng Hội Nghi Sơn, Hội Đông Sơn, Công ty Cổ phần Thương mại Sao Khuê, Hội Thiệu Hóa thực hiện mô hình gieo cấy 05 ha lúa Thảo Cẩm 9, theo chuỗi giá trị và sản phẩm OCOP gạo lức đen.

- Hội tỉnh cùng Hội Bá Thước thực hiện mô hình trồng 05 ha cây dược liệu, sơ chế cung cấp cho Công ty chế biến thuốc.

- Hội thành viên vận động, hướng dẫn, khuyến khích hội viên thực hiện mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, không chất thải, thuận thiên.

- Tư vấn cho hội viên, chủ trang trại phát triển sản phẩm OCOP, mỗi năm các Hội trong toàn hẹ thống có 1-2 sản phẩm OCOP được xếp hạng 03 sao trở lên.

4. Tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường.

Hướng dẫn, hỗ trợ hội viên ứng dụng công nghệ sinh học, sử dung chế phẩm sinh học vào canh tác nông nghiệp, thực hiện các giải pháp thu gom, xử lý chất thải hữu cơ nông nghiệp, vừa làm sạch môi trường, vừa làm dinh dưỡng cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập.

5. Nâng cao năng lực cho hội viên.

- Đảm bảo nề nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt của Câu lạc Chủ trang trại tỉnh, huyện, xã.

- Tổ chức tham quan điển hình, mô hình tiên tiến hiệu quả, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ mới cho hội viên.

- Thực hiện kết nối hội viên với hội viên, hội viên với doanh nghiệp, hội viên với nhà khoa học, hội viên với Nhà nước, tạo nên chuỗi giá trị mới.

6. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước “Đoàn kết, sáng tạo, sản xuất kinh doanh VAC, Trang trại hiệu quả, xây dựng Hội vững mạnh”.

7. Làm tốt hơn nữa công tác truyền thông.

Nâng cao chất lượng trang Thông tin điện tử: nongtraitinhthanh.vn; thông tin Làm vườn và Trang trại; tuyên truyền Quyết định số 622/QĐ-TU ngày 23/7/2021 của Tỉnh ủy về Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM giai, đoạn 2021 - 2025; truyền tải đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cơ chế chính sách của tỉnh, chủ trương của Hội đến các cấp hội và hội viên kịp thời. Phản ảnh, tuyên truyền, đưa tin gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến, các mô hình làm ăn có hiệu quả. Giới thiệu, quảng bá, đăng tải các hình ảnh về sản phẩm cho các tổ chức, đơn vị và hội viên.

Với việc phát huy truyền thống và tiềm năng sẵn có từ  Hội tỉnh đến các Hội huyện, Hội xã, Hội viên chắc chắn trong thời gian tới HVT-TH sẽ có nhiều điểm sáng trong thực tiễn và có những đóng góp quý báu nhiều hơn nữa cho Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà./.   

                    Trần Đức Năng - Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa                      
Truy cập
Hôm nay:
133
Hôm qua:
1647
Tuần này:
11931
Tháng này:
5511
Tất cả:
2851344