Đổi mới phương pháp giảng dạy môn lịch sử đảng tạo hứng thú trong học tập cho học viên

Trong hoạt động dạy - học, việc tạo hứng thú cho người học là một yếu tố hết sức quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Đối với môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị, việc tạo hứng thú cho học viên càng quan trọng, vì đối tượng học viên phần lớn là cán bộ lãnh đạo quản lý và nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các địa phương đơn vị, trước khi tham gia học Trung cấp lý luận chính trị thì hầu hết đều đã được tiếp cận môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam qua các chương trình bồi dưỡng hoặc trong các chương trình đào tạo khác, … chính vì vậy, học viên cũng đã nắm được kiến thức về Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ở mức độ nhất định. Hơn nữa, hiện nay với sự bùng nổ thông tin, bằng nhiều kênh khác nhau, người học có thể tiếp cận được nhiều tri thức, trong đó có cả những kiến thức về Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, khi học môn này ở chương trình Trung cấp lý luận chính trị, học viên sẽ có ý nghĩ đó là  những cái mình biết rồi nên cũng chẳng cần thiết phải học lại. Từ ý nghĩ đó dẫn tới họ sẽ không hứng thú đối với môn học. Vì vậy, đặt ra, trong giảng dạy  môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trường Chính trị là giảng viên phải biết khắc phục tâm lý chán học bằng việc tạo ra được hứng thú trong học tập cho học viên.

Để tạo hứng thú học tập môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cho học viên, phải thực hiện nhiều biện pháp. Có biện pháp tác động vào việc trình bày mục tiêu bài học, có biện pháp tác động vào nội dung dạy học, có biện pháp tác động vào phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, có biện pháp tác động vào phương tiện, thiết bị dạy học, có biện pháp tác động vào kiểm tra đánh giá (bao gồm cả nhận xét), tác động vào quan hệ tương tác thân thiện giữa thầy - trò, trò - trò....Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi chỉ xin tập trung vào vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm gây hứng thú cho học viên khi học môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ nhất, phải tăng cường đổi mới phương pháp dạy học theo hướng “lấy người học là trung tâm”, kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp thuyết trình với sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực

Trước đây trong giảng dạy các môn lý luận nói chung, môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, phương pháp được các giảng viên áp dụng chủ yếu đó chính là phương pháp thuyết trình. Không thể phủ nhận những ưu thế của phương pháp này, nhất là đối với môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi sử dụng phương pháp thuyết trình, những giảng viên có trình độ chuyên môn sâu, có kỹ năng truyền đạt tốt sẽ giúp cho người học nắm được nội dung vấn đề một cách có hệ thống và chi tiết. Trong một khoảng thời gian ngắn, phương pháp thuyết trình có thể cung cấp một lượng thông tin kiến thức lớn cho số lượng đông người nghe…Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của phương pháp này là ở chỗ mới chỉ tạo được luồng thông tin một chiều từ người giảng đến người học. Thầy nói –học viên nghe và chép. Việc dạy và học như vậy đã làm cho người học rơi vào thụ động, không phát huy được tính tích cực chủ động của  học viên - những người có kinh nghiệm công tác, có vốn thực tiễn phong phú, cho nên phần nào đó làm cho bài giảng Lịch sử Đảng trở nên khô cứng, không thực sự tạo ra được sự húng thú học tập đối với học viên. Vì vậy, để nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm tạo được sự hứng thú cho học viên trong học tập môn Lịch sử Đảng đòi hỏi giảng viên phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp thuyết trình với sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực như: phương pháp nêu vấn đề; hỏi - đáp; thảo luận, phỏng vấn nhanh, neo chốt kiến thức... để tăng cường sự trao đổi giữa giáo viên và học viên về cả những vấn đề lý luận và thực tiễn, từ đó giúp cho người học thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa thực tiễn của những kiến thức Lịch sử Đảng Đảng Cộng sản Việt Nam đã được nghiên cứu.

Đối với phương pháp nêu vấn đề, giảng viên có thể áp dụng hiệu quả trong mở đầu môn học hoặc mở đầu mỗi bài giảng để học viên thấy sự cần thiết của môn học, của từng bài học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó gây sự hứng thú học tập đối với người học. Tuy nhiên, việc lựa chọn những vấn đề, đặt ra những câu hỏi để dẫn dắt học viên vào tình huống có vấn đề và tạo sự hứng thú trong học tập thì đó phải là những câu hỏi liên quan đến những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn. Chẳng hạn, khi giảng bài “Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam”. Đây là bài đầu tiên khi nghiên cứu về Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, cho nên ngay khi mở đầu bài giảng, giáo viên có thể dùng phương pháp nêu vấn đề để thu hút sự hứng thú học tập của học viên đối với môn học nói chung và với từng bài học nói riêng khi đưa ra một vấn đề mang tính thực tiễn hiện nay về việc các thế lực thù địch chống phá Đảng, chống phá cách mạng Việt Nam đang tung ra nhiều những luận điệu nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bôi nhọ lãnh tụ và các đồng chí lãnh đạo của Đảng, từ đó đặt ra các câu hỏi đối với học viên để học viên tự suy nghĩ về trách nhiệm của mình là một người cán bộ, đảng viên cần phải tìm hiểu, nghiên cứu lý giải vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn để vừa củng cố lòng tin của chính mình, vừa có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để tuyên truyền cho nhân dân, đập tan những luận điệu tuyên truyền phản động và những âm mưu chống phá cách mạng, chống phá Đảng của các thế lực thù địch.

Phương pháp hỏi –đáp, phỏng vấn nhanh, thảo luận là những phương pháp có thể thực hiện ở nhiều thời điểm khác nhau của bài giảng để vừa lý giải cơ sở những chủ trương, đường lối của Đảng trong các thời kỳ, vừa rút ra những vấn đề có tính quy luật của các sự kiện và hiện tượng lịch sử trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng để học viên suy nghĩ và chủ động trình bày nhận thức, quan điểm của mình và có hướng suy nghĩ vận dụng những bài học kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn của bản thân. Nhất là đối với đối tượng học viên Trung cấp lý luận chính trị, như đã nêu ở trên là trước khi học môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị, học viên đã được tiếp cận môn học ở mức độ nhất định trong các chương trình đào tào, bồi dưỡng trước đó, hoặc qua các kênh truyền thông đại chúng, vì vậy, thực hiện phương pháp phỏng vấn nhanh, hoặc hỏi – đáp sẽ giúp học viên gợi nhớ lại những kiến thức đã được học và khắc sâu hơn, đồng thời cũng tránh việc nhàm chán khi có những vấn đề học viên đã nghe nghiều nhưng giảng viên vẫn nhắc đi nhắc lại sẽ làm cho học viên không hứng thú. Hơn nữa, với nội dung môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam được tiếp cận như chương trình mới, với dung lượng khá nhiều khi đề cập đến các thành tựu và các bài học kinh nghiệm của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nên để thực hiện tốt phương châm gắn lý luận với thực tiễn, giúp học viên phát triển kỹ năng phân tích, tổng hợp, biết vận dụng lý luận vào thực tiễn, nhất là vận dụng các bài học kinh nghiệm trong thực tiễn, thì khi giảng dạy, giảng viên cũng cần phải tăng cường thực hiện phương pháp thảo luận để học viên vừa nhận thức sâu sắc các bài học, vừa chia sẻ những kinh nghiệm của địa phương, đơn vị và trách nhiệm của cá nhân trong vận dụng các bài học trong thực tiễn. Hoặc phương pháp neo chốt kiến thức cũng là phương pháp cần thiết trong giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam để vừa củng cố lại kiến thức của các phần học, bài học, nhất là sau khi phân tích rút ra những thành tựu chủ yếu của cách mạng Việt Nam và bài học kinh nghiệm lịch sử trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Thứ hai, phải tăng cường tính thực tiễn trong các bài giảng Lịch sử Đảng

Lý luận gắn liền với thực tiễn là một trong những nguyên tắc trong nghiên cứu, học tập và giảng dạy các môn lý luận nói chung chứ không riêng gì đối với môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Lý luận không gắn với thực tiễn là lý luận suông” . Do đặc thù đào tạo của Trường Chính trị là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Đối tượng học viên đa số đang trực tiếp tham gia các hoạt động thực tiễn. Nên họ có mục đích học tập rõ ràng, là học để nắm kiến thức giúp giải quyết các vấn đề  đang đặt ra trong thực tiễn. Chính vì vậy, vấn đề gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trường Chính trị là vấn đề đặc biệt quan trọng. Bài giảng của giảng viên nếu biết liên hệ các nội dung với tình hình thực tiễn, biết hướng cho học viên cách vận dụng những kiến thức của bài để giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn sẽ lôi cuốn, tạo sự thu hút đối với họ. Nhất là, khi giảng về những bài học kinh nghiệm của Đảng trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giảng viên phải tăng cường liên hệ thực tiễn và định hướng, gợi ý để học viên liên hệ thực tiễn ở địa phương đơn vị của học viên.

Tuy nhiên, việc gắn lý luận với thực tiễn đòi hỏi ở người giảng viên không những phải có vốn thực tiễn phong phú mà còn phải biết liên hệ với các vấn đề thực tiễn sao cho phù hợp với nội dung của bài giảng. Trong đó, giảng viên phải lưu ý biết chọn các vấn đề thực tiễn liên hệ phải sát với vấn đề lý luận định làm rõ, định chứng chứng minh; phải tránh sa vào sự kiện vụn vặt, dàn trải; phải cân nhắc thời lượng, dung lượng vừa phải. Đặc biệt cần dựa theo đặc thù của đối tượng học viên từng lớp, từng hệ chứ không phải tất cả các vấn đề trong bài giảng đều đưa ví dụ thực tế và tất cả các đối tượng đều có ví dụ thực tiễn như nhau.

Thứ ba, lồng ghép thực hiện phương pháp trực quan thông qua việc chiếu phim tư liệu, các hình ảnh tư liệu lịch sử vào trong các bài giảng.

Bảo đảm tính trực quan là một trong những nguyên tắc của lý luận dạy học nói chung và trong dạy học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Đối với việc giảng dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, phương pháp trực quan góp phần quan trọng giúp cho người học cụ thể hóa các sự kiện, hiểu sâu sắc bản chất của các sự kiện và khắc phục tình trạng hiện đại hóa lịch sử. Nhất là những hình ảnh, phim tư liệu sẽ là những phương tiện trực quan rất hiệu quả trong tái hiện lại những hình ảnh lịch sử một thời trong quá khứ, những nhân vật lịch sử, từ đó giúp cho người học bắt lịch sử một cách chính xác, dễ nhận biết, dễ nhớ. Qua đó lôi cuốn được người học tham gia tích cực vào bài giảng. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, khi có những phương tiện dạy học hiện như máy tính, máy chiếu hỗ trợ, thì càng thuận lợi để giảng viên có thể triệt thực hiện có hiệu quả việc sử dụng phương pháp trực quan trong dạy học Lịch sử Đảng. Chính vì vậy, trong các bài giảng, giờ giảng Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu có điều kiện cho phép, giáo viên nên tích cực sử dụng các loại đồ dùng trực quan này để nâng cao chất lượng bài giảng của mỗi giảng viên và tạo được sự hứng thú học tập của học viên đối với môn học.

Tóm lại, tạo hứng thú học tập cho người học là yêu cầu tất yếu đối với hoạt động dạy và học. Đối với môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị, để tạo hứng thú cho người học đòi hỏi phải thực hiện nhiều biện pháp và trong nhiều khâu của quá trình giảng dạy –học tập, tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này tôi chỉ đề cập đến một khâu trong quá trình giảng dạy đó là đổi mới phương pháp giảng dạy và lấy ví dụ cụ thể ở bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Hy vọng đây là những biện pháp để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó cũng góp phần khắc phục tình trạng lười và ngại học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên.

Th.s Lê Na - Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Truy cập
Hôm nay:
1043
Hôm qua:
2178
Tuần này:
11194
Tháng này:
4774
Tất cả:
2850607