Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa tăng cường kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022, góp phần bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển

Trong bối cảnh tình hình trong tỉnh tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do các đợt bùng phát dịch Covid-19, giá nguyên, nhiên vật liệu, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng, đã tác động mạnh mẽ đến đà phục hồi của kinh tế thế giới. Ở trong nước, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư đã ảnh hưởng sâu rộng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế; chất lượng tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; thiên tai, lũ lụt và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HDDND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, nên tình hình dịch Covid-19 vẫn được kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi và đạt được nhiều kết quả tích cực; có 20/25 chỉ tiêu chủ yếu được HĐND tỉnh quyết nghị đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh vẫn tiếp tục ổn định và phát triển; kinh doanh thương mại và cung cấp các dịch vụ thiết yếu duy trì hoạt động theo hướng bảo đảm thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từng bước khôi phục lại các hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác trong trạng thái bình thường mới. 

Nhìn chung tình hình hàng hóa trên thị trường và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cơ bản vẫn hoạt động ổn định; không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá tăng giá bất hợp lý đối với các mặt hàng: khẩu trang, nước sát khuẩn, lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược...; Giá vật liệu xây dựng (sắt thép) tăng; giá bán lẻ xăng, dầu liên tiếp điều chỉnh tăng và có thời điểm ở mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây; giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng.

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh tuy không nổi cộm nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu, hoạt động buôn bán vận chuyển hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hoạt động kinh doanh về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra, trong đó tập trung các mặt hàng như: bánh kẹo, rượu, thuốc lá, pháo nổ, quần áo, sản phẩm động vật...

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, B 389 tỉnh và gắn nhiệm vụ quản lý thị trường với nhiệm vụ của BCĐ 389 tỉnh trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác; bảo đảm cân đối cung cầu, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường, chủ động phòng, chống dịch COVID-19 góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

 QLTT.jpg

 Cán bộ Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa
            tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng giả

Năm 2021, các ngành thành viên BCĐ 389 tỉnh, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý 4.770 vụ, trong đó: Chuyển khởi tố hình sự 841vụ; Xử lý vi phạm hành chính 3.929 vụ với tổng số tiền thu 152.546 triệu đồng (trong đó:  Phạt vi phạm hành chính  50.477  triệu đồng; Trị giá hàng đã bán thanh lý 1.114 triệu đồng; Truy thu thuế 100.955 triệu đồng). Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra 2.413 vụ; có dấu hiệu hình sự 6 vụ; xử lý 2.044 vụ. Tổng số tiền thu phạt 6.173,4 triệu đồng, trong đó: phạt vi phạm hành chính 5.210,4 triệu đồng, tiền bán hàng tịch thu 963,3 triệu đồng. Trị giá hàng đã tiêu hủy và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả 3.564,1 triệu đồng; trị giá hàng chờ bán, chờ tiêu hủy 3.153,7 triệu đồng.

Dự báo những tháng cuối năm 2021 và dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhu cầu sản xuất, tiêu dùng sẽ sôi động hơn, theo quy luật hàng năm, đây là thời điểm mức luân chuyển hàng hóa sẽ lớn hơn, giá cả hàng hoá trong nước có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó các thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng tinh vi và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với sự xuất hiện của nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung cầu hàng hoá trên địa bàn tỉnh những tháng cuối năm và dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Cục Quản lý thị trường - Cơ quan Thường trực BCĐ 389 tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành thành viên BCĐ 389 tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác triển khai thực hiện: Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủKế hoạch số 158/KH-UBND ngày 27/11/2015 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị 30/CT-TTg  ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Kế hoạch số 155/KH-BCĐ ngày 21/8/2018 của BCĐ 389 tỉnhvề đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuộc y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 17/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh Ủy về việc tổ chức Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; Kế hoạch số 247/KH-BCĐ ngày 19/11/2020 của BCĐ 389 tỉnh về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; Kế hoạch số 247/KH-BCĐ ngày 15/11/2021 của BCĐ 389 tỉnh Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022  ; Kế hoạch số 1848/KH-CQLTT ngày 26/11/2021 của Cục Quản lý thị  trường Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và các văn bản chỉ đạo Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, các bộ, ngành trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ 389 tỉnh.

2. Các ngành thành viên theo chức năng nhiệm vụ được giao tăng cường công tác dự báo và quản lý thị trường, có kế hoạch và biện pháp bảo đảm cân đối cung – cầu hàng hoá và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, đầu cơ, găm hàng, đẩy giá hàng hoá tăng cao bất thường để thu lợi bất chính, chú trọng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán như lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19, bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng điện tử, điện lạnh, xăng dầu...đặc biệt quan tâm công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch trên môi trường mạng.

3. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng, chú trọng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng; theo dõi sát tình hình thị trường, giá cả hàng hóa tăng cường điều tra, trinh sát, nắm bắt thông tin, kiên quyết không để tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa, tăng giá quá mức, tung tin thất thiệt gây rối loạn thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống, dịch Covid - 19. Đồng thời phối hợp với chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 22/6/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc;

4. Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa và các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng về công tác chống buôn lậu, hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả, trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng hiểu và chấp hành pháp luật. Định kỳ phát sóng chuyên mục "chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả - bảo vệ người tiêu dùng” vào 20h15 thứ 6 hàng tuần và trong chương trình Thời sự của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa.

 5. Các ngành thành viên BCĐ 389 tỉnh, BCĐ 389 các huyện, thị xã, thành phố triển khai và thực hiện nghiêm Quyết định số 4850/QĐ-BCĐ ngày 10/11/2020 của BCĐ 389 tỉnh về phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;Quyết định số 1154/QĐ-BCĐ ngày 04/4/2018 về ban hành Quy định chế độ báo cáo của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Thanh Hóa, Công văn số 725/BCĐ-CQTT ngày 06/10/2016 về tăng cường việc trao đổi thông tin trên địa bàn để kịp thời tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình thị trường báo cáo Trung ương, tỉnh có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, BCĐ 389 tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành thành viên BCĐ 389 tỉnh, các lực lượng chức năng và BCĐ 389 các huyện, thị xã, thành phố, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa quyết tâm cùng với các lực lượng chức năng, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa góp phần ổn định thị trường thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để mọi người, mọi nhà vui Xuân, đón Tết.

Cục Quản lý thị trường tỉnhThanh Hóa

Truy cập
Hôm nay:
226
Hôm qua:
1647
Tuần này:
12024
Tháng này:
5604
Tất cả:
2851437